
NGỌC TRAI (PEARL)

Tên khoa học: Ngọc trai (pearl)
Nguồn gốc: Ngọc trai là loại đá quý có nguồn gốc hữu cơ.
Thành phần CaCO3: 86%; chất hữu cơ: 12%; H2O: 2%
Màu sắc: Trắng, hồng, bạc, kem, nâu, lục, lam, đen, vàng
Hình dạng: Tròn, oval, bầu dục, quả lê, kỳ dị, không rõ ràng.
Độ cứng Mohs: 2,5 – 4,5
Tỷ trọng: 2,60 – 2,85
Cát khai: Không
Vết vỡ: Không đồng đều
Màu vết vạch: Màu trắng
Ánh: Xà cừ
Đa sắc: Không
Chiết suất: 1,52 – 1,66; Riêng màu đen 1,53 – 1,69
Huỳnh quang: Yếu, không thể đánh giá. Ngọc trai đen: phớt đỏ. Ngọc trai nước ngọt: mạnh (lục nhạt)
Phổ hấp thụ: Không đặc trưng
Tổng hợp và xử lý: Ngọc trai đã được con người sản xuất (nuôi cấy trong nước mặn và nước ngọt) từ những năm 1920.
Ngọc trai được xử lý bằng các phương pháp: tẩy màu, nhuộm màu và chiếu xạ.
Nguồn gốc: Ngọc trai được hình thành chủ yếu là trong các loài trai nước mặn và một số loài trai nước ngọt, và có thể trong một số loài ốc (ngọc ốc).
Quá trình tạo ngọc
Ngọc trai nuôi và ngọc trai tự nhiên khác nhau ở cách tạo ngọc một cách tự nhiên hay có sự can thiệp của con người.
Xem thêm: NHỮNG LOẠI ĐÁ TUYỆT ĐẸP NHƯNG KỊCH ĐỘC
Trong cả hai cách, sự hình thành của ngọc trai như sau:
Ngọc trai được hình thành bên trong thân thể loài nhuyễn thể (lớp hai vỏ), đây là cách phản xạ lại để tự chữa lành các vết thương của loài nhuyễn thể bằng cách tiết ra chất bao bọc dị vật bằng những lớp cacbonat canxi (CaCO3) dưới dạng chất khoáng aragonit hoặc canxit (cả hai dạng là dạng kết tinh của cacbonat canxi) được dính với nhau bởi một hợp chất hữu cơ giống chất sừng gọi là conchiolin.
Sự kết hợp của cacbonat canxi và conchiolin được gọi là xà cừ.
Quan niệm trước đây cho rằng khi một hạt cát chui vào trong vỏ trai sẽ đóng vai trò của tác nhân kích thích tạo ngọc nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì sự kích thích đó thường hiếm khi xảy ra.
Tác nhân kích thích chính thường là các chất hữu cơ, ký sinh trùng hoặc thậm chí những tổn hại làm chuyển chỗ lớp màng áo. Chúng chui được vào bên trong vỏ trai khi nó ăn hoặc hô hấp.
Ngọc trai nuôi được tạo ra bằng cách cấy một miếng biểu mô màng áo cùng với các hột làm bằng vỏ trai đã chế tác thành hình dạng mong muốn (chính xác là loại trai Cóc, vỏ rất dày khoảng 10 mm hoặc hơn, là loại trai nước ngọt sống ở sông Mississippi) được đưa vào bộ phận sinh dục của con trai bằng dụng cụ cấy đặc biệt đưa vào theo hình dích dắc để con trai không thể đào thải vật cấy ra được.
Ngọc trai nuôi (ngọc trai có nhân và không nhân hay có nhân mô). Nhân của ngọc trai nuôi được tạo ra bởi con người và viên ngọc có hình dáng của nhân mà người ta cấy vào. Sau khi cấy, con trai sẽ dần tạo ra lớp xà cừ trên bề mặt nhân cấy và khoảng 6 tháng sau sẽ thu hoạch được.
Ngọc trai nhân tạo có thể phân biệt được với ngọc tự nhiên bằng cách kiểm tra bằng X quang, hình ảnh X quang cho thấy nhân của hạt ngọc trai nuôi có cấu trúc khác ngọc tự nhiên. Nhân của viên ngọc nuôi sẽ lộ ra một tâm đặc trong khi nhân của ngọc trai tự nhiên có các vòng tròn đồng tâm (như hình 1).
Một viên ngọc tự nhiên có tâm xà cừ đặc, ngọc trai tự nhiên cũng có hình dạng tự nhiên, kiểu viên hình tròn hiếm khi thấy.

Những nơi phân bố chính
Vịnh Persic, vịnh Manara (giữa Ấn Độ và Sri Lanka), Madagasca, Myanmar, Philipine, Australia, Trung Mỹ và vùng phía Bắc của Nam Mỹ.
Những nước sản xuất ngọc trai nuôi chủ yếu hiện nay: Nhật Bản, Trung Quốc, Tahiti…
Ở Việt Nam ngọc trai được nuôi ở nhiều nơi như Hạ Long, Phú Yên và Nha Trang


Nguồn: Sưu tầm
[…] Xem thêm: NGỌC TRAI (PEARL) […]