1. ĐẸP
Đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá chất lượng và giá trị của đá quý. Tiêu chuẩn “đẹp” được quy định bởi các yếu tố là màu sắc, độ trong suốt, độ phản chiếu ánh sáng (ánh) và các hiệu ứng quang học đặc biệt.
- Màu sắc: Màu sắc càng tươi, càng đậm và rõ ràng thì viên đá càng đẹp và có giá trị cao, trong đó ruby, emerald (ngọc lục bảo), saphire, ngọc cẩm thạch là những loại đá quý có màu sắc đẹp nhất.
- Độ trong suốt: Các tỳ vết bên ngoài và đặc biệt là các bao thể bên trong (gọi chung là khuyết tật) đều ảnh hưởng nhiều đến độ hoàn hảo và giá trị của viên đá. Đá quý không có tạp chất, không nứt vỡ, độ trong suốt càng cao thì giá trị thương mại càng lớn.
- Độ phản chiếu ánh sáng: Đá quý có độ phản chiếu ánh sáng cao, lấp lánh, làm lôi cuốn thị giác của con người như kim cương, zircon.
- Các hiệu ứng quang học đặc biệt: Có một số loại đá quý không có màu sắc bắt mắt, không trong suốt hoặc cũng không có độ phản chiếu ánh sáng cao, tuy nhiên chúng có những hiệu ứng quang học đặc biệt như hiệu ứng ánh sao ( ruby sao), hiệu ứng ánh sáng trò chơi, hiệu ứng ngũ sắc (opal), hiệu ứng thay đổi màu sắc (alexandrite)…

2. BỀN
Giống như tiêu chí đánh giá bất cứ một sản phẩm cao cấp nào trong đời sống con người, các sản phẩm quý ngoài đẹp ra cũng phải bền, bền cũng là một tiêu chí hết sức quan trọng đối với đá quý.
Đá quý có độ bền cao giúp tránh khỏi tác động từ bên ngoài trong quá trình sử dụng như va chạm, rơi rớt, hóa chất… Bền bao gồm độ cứng , độ bền về mặt hóa học và độ dai.
- Độ cứng: hay độ bền cơ học, là khả năng chịu được tác động từ va đập. Đá quý phải ít có khả năng bị vỡ, sứt mẻ hoặc trầy xước. Những loại đá quý phải có độ cứng từ 7 trở lên theo thang độ cứng Mohs. Tuy nhiên, với các trường hợp có độ cứng thấp nhưng có độ phản chiếu ánh sáng cao hoặc có hiệu ứng quang học đặc biệt, vẫn được coi là đá quý và đòi hỏi chúng ta phải biết cách giữ gìn và bảo quản.
- Độ dai: Một số đá quý trong tự nhiên có độ cứng thấp nhưng lại rất dai do cấu trúc đặc biệt như ngọc cẩm thạch ( loại ngọc rất được ưa chuộng ở phương Đông). Tuy chỉ có độ cứng khoảng 6 – 6,5 (theo thang Mohs) nhưng chúng rất bền do cấu tạo sợi.
- Độ bền về mặt lý, hóa học: Đá quý phải có độ bền chống lại sự ăn mòn của các axit, các hóa chất độc hại, sự tác động của nhiệt độ, đặc biệt là trong môi trường nhiệt độ cao.
3. HIẾM
Con người luôn có tư tưởng quý đi đôi với hiếm, cái gì hiếm thì mới quý.
Ví dụ: Alexandrite là loại đá hiếm hoi có hiệu ứng thay đổi màu sắc đạt tiêu chuẩn, chỉ có ở các mỏ của nước Nga, có giá trị rất cao.
Hoặc ở những thế kỷ trước, thạch anh tím (amethyst) có giá trị rất cao bởi tính quý hiếm, nhưng đến thế kỷ 20 các mỏ thạch anh tím đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, vì vậy giá trị của amethyst bị giảm xuống ở mức trung bình.
Ba tiêu chuẩn trên đặc biệt quan trọng và quyết định giá trị của một viên đá quý, tuy nhiên với sự phát triển của ngành công nghiệp trang sức đá quý, giá trị của chúng cũng bị chi phối bởi một số tiêu chuẩn nữa:
Xem thêm: TUYỂN SINH ĐÀO TẠO
4. THỊ HIẾU
Thị hiếu là thứ luôn luôn thay đổi và biến động theo thời gian, vùng miền, văn hóa.
Ví dụ như ngọc cẩm thạch là loại đá quý được ưa chuộng ở vùng các nước phương Đông trong khi người dân các nước phương Tây lại ít khi coi trọng loại ngọc này.
Ở Trung Quốc, Thái Lan hay Việt Nam thường chuộng loại Ruby có màu đỏ hồng trong khi ở Ấn Độ hay các nước Trung Đông lại chuộng những viên Ruby có màu đỏ đậm.
Thời cổ đại, đá Opal được cho là có khả năng bảo vệ con người khỏi ma quỷ, thời kỳ đó chúng có giá trị rất cao, nhưng ngày nay giá trị này đã thay đổi đi rất nhiều.
5. CHẤT LƯỢNG CHẾ TÁC
Đá quý sau khi được khai thác sẽ chế tác thành đá quý thành phẩm phục vụ nhu cầu trang sức.
Tất nhiên, nếu những viên đá quý thô được chế tác tốt, chúng sẽ tăng giá trị lên nhiều lần.
Đá quý thành phẩm được chế tác thành 2 kiểu chính:
- Kiểu mài Facet: Bề mặt và đáy viên đá được mài cắt thành các mặt nhỏ để làm tăng độ lấp lánh. Kiểu cắt mài này lợi dụng sự phản xạ và khúc xạ ánh sáng nên chỉ áp dụng cho các loại đá quý có độ trong suốt cao, ánh sáng có thể xuyên qua được.
- Kiểu mài Cabochon: dùng cho các viên đá bán trong → đục, điển hình là ngọc Jade (ngọc cẩm thạch), Mã não, …

6. KÍCH THƯỚC
Đá quý có kích thước càng lớn thì có giá trị càng cao.
Tuy nhiên trong một số trường hợp quan hệ giữa kích thước và giá trị của viên đá không phải là tỷ lệ thuận mà nó là một hàm số với nhiều biến số như đã nêu ở trên.
7. GỌN NHẸ
Đá quý chủ yếu được sử dụng trong ngành trang sức, vì vậy chúng không được quá lớn và quá nặng để con người có thể mang theo bên mình, sử dụng, bảo quản và cất giữ.
Tuy nhiên, điều này không áp dụng trong trường hợp đá quý sử dụng làm vật phẩm phong thủy
8. TÍNH ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ
Đá quý phải được công nhận và có giá trị ổn định trong một thời gian dài.